Ngày đăng: 2024-12-06
Đột quỵ hay được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng xảy ra khi cục máu đông, mảng xơ vữa hoặc mạnh máu bị vỡ cắt đứt nguồn cung cấp máu cho não. Sau cơn đột quỵ, đa số người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng và cần có một quá trình lâu dài để phục hồi.
Theo Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mới, và giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu, nhưng chỉ rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu - thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Phần lớn những người sống sót sau đột quỵ có di chứng về thần kinh và vận động.
Các biến chứng thường gặp ở người đột quỵ như: rối loạn vận động, yếu, liệt một phần cơ thể hoặc nửa người, liệt mặt; rối loạn nhận thức, giảm tư duy, mất trí nhớ có thể từ nhẹ đến nặng, trí tuệ sa sút; rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi, khó diễn đạt suy nghĩ bằng lời, thậm chí không nói được; rối loạn thị giác; rối loạn cảm giác, đau, tê, hoặc mất cảm giác một phần chi thể của mình…
Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ cần lưu ý gì?
Vì số lượng biến chứng không hề ít, mức độ của các biến chứng khác nhau nên khi chăm sóc bệnh nhân, người nhà cần lưu ý trên hầu hết các phương diện.
- Nấu thức ăn mềm, xay nhuyễn trong thời gian đầu do người bệnh còn di chứng khó nuốt.
- Bổ sung các loại rau củ, trái cây chứa nhiều chất xơ tốt: rau cải xanh, súp lơ, cà rốt, mâm xôi,...
- Tăng cường các loại sữa và các sản phẩm thay thế giúp tăng cường canxi, giảm lượng cholesterol và hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
- Tăng cường ăn các loại cá sau như: cá thu, cá ngừ,.... vào chế độ ăn chăm sóc bệnh nhân đột quỵ ( trong cá chứa photpho, cholesterol tốt,... giúp triệt tiêu các mảng xơ vữa động mạch - nguyên nhân trực tiếp gây đột quỵ)
- Hạn chế đồ ăn nhiều muối, đồ muối và các gia vị mạnh: cay nóng, chát,...
- Tuyệt đối không uống rượu bia và sử dụng chất kích thích để hạn chế đột quỵ tái phát.
Để chăm sóc bệnh nhân đột quỵ phục hồi tinh thần, người nhà có thể cần:
- Động viên, cổ vũ bệnh nhân: Tâm lý người bệnh sau đột quỵ là u uất, chán nản, thất vọng khi phải phụ thuộc vào người khác. Nếu được thấu hiểu, an ủi và động viên giúp người bệnh có thêm động lực tiếp tục điều trị và phục hồi.
- Tâm lý trị liệu ( nếu cần thiết ) : Khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ, sự xuất hiện của bác sĩ tâm lý có thể khiến người bệnh mở lòng, tháo gỡ cảm xúc và ổn định lại trạng thái tinh thần.
- Vệ sinh da sạch sẽ, khô thoáng.
- Vệ sinh vùng sinh môn (cơ quan sinh dục và hậu môn) sạch sẽ, khô ráo hàng ngày. Chất liệu nội y cũng nên chọn loại thấm hút tốt, rộng rãi, thoải mái khi mặc.
- Tắm rửa, vệ sinh nên thực hiện ở nơi kín gió, ấm áp, sàn ít trơn trượt, nước ấm. Khi chăm sóc vệ sinh chỉ nên vệ sinh từ 5 - 7 phút, không tắm buổi tối.
- Sử dụng bỉm lót hoặc bô, lau rửa sạch sẽ sau đại tiểu tiện để phòng ngừa viêm nhiễm.
- Ngoài ra nếu bệnh nhân phải đặt ống thông dẫn tiểu, ống thông dạ dày,... thì việc chăm sóc bệnh nhân đột quỵ (khoản vệ sinh) cần phải thực hiện theo hướng dẫn của điều dưỡng, nhân viên y tế.
- Cho bệnh nhân vận động sớm, tốt nhất ngay từ ngày đầu tiên.
- Đổi tư thế 2 giờ/ lần để tránh viêm loét, hoại tử vùng tì đè.
- Xoa bóp tay chân, các khớp tay, chân thường xuyên để hỗ trợ tuần hoàn máu, ngăn ngừa tình trạng cứng khớp và teo cơ.
- Tập thở sâu, thở mạnh cho bệnh nhân kèm vỗ rung lồng ngực để tránh viêm nhiễm đường hô hấp đối với bệnh nhân nằm lâu.
Có thể nói, bên cạnh việc điều trị bệnh lý, chăm sóc chiếm một vai trò quan trọng giúp gia tăng tốc độ phục hồi cho bệnh nhân sau đột quỵ. Xác định rõ điều này, trong những năm qua bệnh viện luôn chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ điều dưỡng viên của đơn vị. Không chỉ thường xuyên tổ chức các hội thi nâng cao tay nghề, kỹ năng giao tiếp ứng xử, quy trình, quy định của ngành trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn. Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm” đến nay bệnh viện tự hào là 1 trong những cơ sở uy tín của bệnh nhân trong và ngoài tỉnh về điều trị y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại trong việc điều trị và phục hồi chức năng sau đột quỵ não./.
Tin liên quan