Trang chủ / Giới thiệu / Giới thiệu chung / Giới thiệu chung

Giới thiệu chung

Ngày đăng: 2019-04-22

Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh là đơn vị sự nghiệp Y tế, trực thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, là tuyến khám bệnh, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền cao nhất của tỉnh.

- Ngày thành lập Bệnh viện: 20/4/1967

- Xếp hạng bệnh viện: Hạng II

- Quy mô: 300 giường bệnh nội trú

- Giám đốc: ThS - BSCKI Nguyễn Thị Hương


1/ Vị trí, chức năng của Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh

Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh là đơn vị sự nghiệp Y tế, trực thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, là tuyến khám bệnh, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền cao nhất của tỉnh.

Bệnh viện có chức năng: thực hiện khám bệnh, chữa bệnh đa khoa và phục hồi chức năng bằng Y học cổ truyền, kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại, nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền; đào tạo, chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật và là cơ sở thực hành về y, dược cổ truyền của các cơ sở đào tạo y, dược và các đơn vị có nhu cầu.

2/ Nhiệm vụ và quyền hạn của Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh ( thực hiện theo Thông tư số 37/TT-BYT ngày 26/10/2011 của bộ Y tế về Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của bệnh viện YHCT tuyến tỉnh )

1. Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng:

a) Tổ chức cấp cứu, khám bệnh, điều trị ngoại trú, nội trú; chăm sóc, phục hồi chức năng bằng Y học cổ truyền, kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại theo quy định. Chú trọng sử dụng thuốc nam, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và các phương pháp điều trị khác theo đúng quy chế chuyên môn;

b) Tổ chức khám và chứng nhận sức khỏe theo quy định tại Thông tư số13/2007/TT-BYT ngày 21/11/2007 của Bộ Y tế hướng dẫn khám sức khỏe.

2. Nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền:

a) Triển khai nghiên cứu khoa học, nghiên cứu kế thừa, nghiên cứu ứng dụng và kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại;

b) Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nghiệm thu, đánh giá tính an toàn và hiệu quả của các đề tài nghiên cứu khoa học về y, dược cổ truyền trong tỉnh;

c) Phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo tồn, phát triển y, dược cổ truyền trên địa bàn.

d) Chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, bảo tồn, kế thừa, ứng dụng theo quy định của pháp luật.

3. Đào tạo

a) Tiếp nhận, tạo điều kiện và hướng dẫn cho học sinh, sinh viên, học viên của cáccơ sở đào tạo và các đơn vị có nhu cầu đến thực hành lâm sàng tại bệnh viện;

b) Cử công chức, viên chức đủ năng lực tham gia giảng dạy và hướng dẫn thực hành lâm sàng;

c) Tổ chức đào tạo liên tục cho cán bộ y tế về lĩnh vực y, dược cổ truyền theo quy định;

d) Cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng và thực hành lâm sàng cho các đối tượng đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng, thực hành tại bệnh viện theo quy định.

4. Chỉ đạo tuyến

a) Tổ chức tiếp nhận và triển khai các kỹ thuật được tuyến trên chuyển giao;

b) Lập kế hoạch chỉ đạo, triển khai công tác chỉ đạo tuyến về y, dược cổ truyền, kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; tham gia kiểm tra việc thực hiện các quy chế chuyên môn, kỹ thuật về y, dược cổ truyền đối với các cơ sở y tế trong tỉnh;

c) Phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo xây dựng vườn thuốc nam trong các cơ sở y tế và thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng y, dược cổ truyền.

5. Phòng, chống dịch bệnh

a) Chủ động hướng dẫn người bệnh và người dân phòng bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền;

b) Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn theo quy định.

6. Công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe

a) Tổ chức tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác y, dược cổ truyền;

b) Tuyên truyền ứng dụng các biện pháp y, dược cổ truyền hợp lý, an toàn, hiệu quả trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân;

c) Tuyên truyền vận động nhân dân nuôi trồng, thu hái, bảo tồn và sử dụng có hiệu quả cây con làm thuốc.

7. Công tác dược và vật tư y tế:

a) Phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu cho các cấp lãnh đạo về công tác bảo tồn, phát triển dược liệu;

b) Cung ứng đầy đủ, kịp thời, bảo đảm chất lượng thuốc, hóa chất, vật tư y tế cho công tác khám, chữa bệnh nội, ngoại trú;

c) Tổ chức bào chế, sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu đáp ứng nhu cầu của người bệnh và nhân dân trên địa bàn;

d) Hướng dẫn sử dụng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và các vị thuốc Y học cổ truyền hợp lý, an toàn, hiệu quả;

e) Bố trí trang thiết bị theo danh mục tiêu chuẩn trang thiết bị y tế theo quy định của Bộ Y tế.

8. Quản lý bệnh viện

a) Quản lý, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dântrong lĩnh vực y, dược cổ truyền theo quy định;

c) Quản lý nhân lực, cơ sở vật chất của bệnh viện theo quy định.

9. Hợp tác quốc tế

Tham mưu cho Giám đốc Sở Y tế xây dựng kế hoạch hợp tác quốc tế về y, dược cổ truyền

10. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Giám đốc Sở Y tế giao.

3/ Tổ chức bộ máy

3.1. Ban Giám đốc: Giám đốc và 2 Phó Giám đốc

3.2. Các Phòng chức năng

a) Phòng Hành chính - Tổ chức

b) Phòng Kế hoạch tổng hợp - Công nghệ thông tin

c) Phòng Tài chính - Kế toán

d) Phòng Điều dưỡng

e) Phòng Quản lý chất lượng

3.3. Các khoa chuyên môn

a) Khoa Khám bệnh đa khoa

b) Khoa Nội - Nhi

c) Khoa Ngoại - Phụ

d) Khoa Châm cứu

đ) Khoa Phục hồi chức năng

e) Khoa Xét nghiệm

g) Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng

h) Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

i) Khoa Dược

k) Khoa Dinh dưỡng

m) Bộ phận Ngũ quan (RHM, TMH, Mắt)

n) Bộ phận Điều trị tích cực – Oxy cao áp

4/ Sơ lược một số hoạt động:

Trải qua gần 50 năm xây dựng và trưởng thành, Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh đã phát triển vượt bậc cả về cơ sở vật chất, nhân lực, trình độ và trang thiết bị y tế hiện đại đáp ứng tốt các tiêu chí bệnh viện đa khoa về y dược cổ truyền. Bệnh viện đã phát huy được trí tuệ tập thể,vai trò cá nhân lãnh đạo, từng bước phát triển chuyên môn, triển khai các kỹ thuật mới với nhiều hình thức để không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh. Bệnh viện đã thực hiện tốt 12 điều Y đức và kỹ năng giao tiếp, thực hiện văn hóa nơi công sở, công tác quản lý kinh tế bệnh viện và trang thiết bị y tế. Năm 2006 – 2010, Bệnh viện đã được UBND tỉnh đầu tư xây dựng mới hoàn thành bệnh viện, cơ sở vật chất khang trang, xanh sạch đẹp và đã được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại đáp ứng yêu cầu chẩn đoán,khám chữa bệnh cho nhân dân trong tình hình mới. Hiện nay, Bệnh viện đã được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như: máy phẫu thuật Trĩ LG 2000, máy kéo giãn cột sống cổ, thắt lưng, máy điện châm đa năng, máy từ trường, máy xung kích, điện phân, đèn hồng ngoại, bộ tập PHCN đa năng, laser nội mạch, siêu âm điều trị, máy chụp XQ kỹ thuật số, siêu âm màu 4D, điện tim 6 cần, máy đo loãng xương, đo lưu huyết não, máy sinh hóa tự động, máy khám điều trị RHM, máy nội soi TMH, máy khám Mắt... Đặc biệt năm 2014, Bệnh viện đã được UBND tỉnh, Sở Y tế đầu tư buồng Oxy cao áp. Dự kiến tháng 6/2014, Bệnh viện sẽ triển khai bộ phậnHồi sức tích cực - Oxy cao áp, và triển khai Bệnh viện vệ tinh Châm cứu đáp ứngnhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng tốt hơn.

Sở trường của bệnh viện là lĩnh vực khám chữa bệnh về y học cổ truyền với ưu thế độc đáo chữa các dạng bệnh thuộc người cao tuổi, mắc bệnh mãn tính, các bệnh liệt ( liệt do tai biến mạch máu não, thần kinh VII ngoại biên... ), thoái hoá cột sống, đau thần kinh toạ, đau vai gáy, bệnh trĩ, viêm đại tràng, mất ngủ, suy nhược cơ thể, đau đầu, viêm đa khớp dạng thấp, lở ngứa, dị ứng…. Bằng kinh nghiệm dân gian kết hợp trang bị máy móc hiện đại, với kỹ thuật chuyên môn và tay nghề không ngừng được nâng cao, cùng với tinh thần thái độ ân cần chu đáo, luôn chú ý lắng nghe người bệnh, thực hiện tốt 2 tiêu chí: “Làm hài lòng người bệnh và hài lòng cán bộ viên chức”, cho nên uy tín của bệnh viện ngày càng nâng cao trong cán bộ và nhân dân. Số lượng người bệnh đến điều trị bằng phương pháp YHCT ngày càng tăng lên. Bệnh viện đã và đang tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng mở rộng một số chuyên khoa sâu, tích cực cử cán bộ đi tham quan họctập nhằm đáp ứng tốt hơn công tác điều trị tại bệnh viện.

Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh được Cục Y dược cổ truyền – Bộ Y tế đánh giá là một bệnh viện tiêu biểu, điển hình trong khối bệnh viện YHCT toàn quốc. Bệnh viện đã, đang và tiếp tục nỗ lực phấnđấu với tiêu chí: “Bệnh viện luôn là địa chỉ đáng tin cậy của người bệnh và nhândân”.

5/ Các Danh hiệu cao quý Đảng và Nhà nước trao tặng trong giai đoạn 2004 - 2017

+ Tập thể:

- Huân chương Laođộng hạng Nhì năm 2007

- Bằng khen Chính Phủ: năm 2006; 2010

- Cờ thi đua của Bộ Y tế: năm 2009; 2011

- Cờ thi đua của UBND tỉnh: năm 2005

- Cờ thi đua Tổng LĐLĐ Việt Nam: năm 2007; 2009

- Cờ thi đua LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh: năm 2006; 2013

- Cờ thi đua của Công đoàn Y tế Việt Nam:năm 2005; 2009; 2011;

- Bằng khen của Bộ Y tế: năm 2004; 2007; 2008

- Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh: năm 2004; 2007; 2009; 2010, 2013

- Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam: năm 2007; 2008; 2011

- Bằng khen của Công đoàn ngành Y tế Việt Nam: năm 2004; 2005

- Bằng khen của LĐLĐ Quảng Ninh: năm 2006; 2007; 2009; 2012

+ Cá nhân

- Thầy thuốc ưu tú : Vi Văn Thái

- Thầy thuốc ưu tú : Nguyễn Thị Hương

Bạn hãy đăng nhập vào Facebook để thực hiện bình luận và chia sẻ bản tin này với bạn bè.

Tin liên quan

Đối tác liên kết
về đầu trang

Hòm thư góp ý