Ngày đăng: 2017-07-10
I. Đại cương
Loét dạ dày tá tràng là tình trạng niêm mạc bị tổn thương bề mặt vượt qua lớp cơ niêm mạc do tác động của dịch vị dạ dày, loét dạ dày tá tràng thuộc phạm vi chứng “Vị quản thống” của YHCT.
Theo YHHĐ có nhiều nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng: nhiễm trùng, do thuốc, loét do tự miễn, loét liên quan đến bệnh nhân mạn tính hoặc suy đa tạng… nguyên nhân thường gặp nhất là Loét do Helicobacter pylori, các kháng viêm, giảm đau NSAIDs, AINS và aspirin, loét do stress.
Theo YHCT nguyên nhân do:
- Tình chí bị kích thích, can khí uất kết gây mất khả năng sơ tiết làm rối loạn khí cơ thăng thanh, giáng trọc của tỳ vị mà gây các chứng đau, ợ hơi, ợ chua...
- Ăn uống thất thường, tỳ vị bị tổn thương mất khả năng kiện vận, hàn tà nhân đó xâm nhập gây khí trệ huyết ứ mà sinh ra các cơn đau.
II. Chẩn đoán
A. Theo YHHĐ
1. Lâm sàng
- Đau bụng vùng thượng vị có tính chất chu kỳ, đau có thể từ mức độ khó chịu, âm ỉ đến dữ dội. Tùy thuộc vị trí ổ loét, tính chất đau có ít nhiều khác biệt:
Loét hành tá tràng thường xuất hiện lúc đói hoặc sau bữa ăn 2- 3h, đau trội lên về đêm, ăn vào hoặc sử dụng các thuốc trung hòa acid thường đỡ đau nhanh.
Loét dạ dày: Tùy vị trí ổ loét mà vị trí và hướng lan của tính chất đau có thể khác nhau. Thường đau sau ăn trong khoảng vài chục phút đến vài giờ. Đáp ứng với bữa ăn và thuốc trung hòa acid cũng kém hơn so với loét hành tá tràng.
- Có thể có các triệu chứng: Buồn nôn, nôn, chán ăn, cảm giác nóng rát, đầy bụng, sút cân, ợ chua.
- Khám bụng: Thường không thấy gì đặc biệt, đôi khi có thể thấy bụng trướng hoặc co cứng nhẹ.
2. Cận lâm sàng
- Chụp dạ dày tá tràng có Barite.
- Nội soi dạ dày tá tràng.
- Chụp cắt lớp vi tính.
- Test xác định H.P
- Thăm dò acid dịch vị của dạ dày.
B. Theo YHCT
1. Thể can khí phạm vị
a. Khí trệ (khí uất )
Đau vùng thượng vị từng cơn, đau lan ra 2 bên mạng sườn, xuyên ra sau lưng, bụng đầy chướng, ấn thấy đau cự án, ợ hơi, ợ chua, chất lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi trắng hoặc hơi vàng mỏng, mạch huyền.
b. Hỏa uất
Vùng thượng vị đau nhiều, đau rát, cự án, miệng khô, ợ chua, đắng miệng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.
c. Thể huyết ứ
Đau dữ dội ở một vị trí nhất định ở vùng thượng vị, đau cự án. Thể huyết ứ gồm 2 loại thực chứng và hư chứng:
Thực chứng: Nôn ra máu, ỉa phân đen, môi đỏ, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác hữu lực (bệnh thể cấp).
Hư chứng: Sắc mặt xanh nhợt, người mệt mỏi, chân tay lạnh, môi nhạt, chất lưỡi bệu có điểm ứ huyết, rêu lưỡi nhuận, mạch hư đại hoặc tế sác (bệnh thể hoãn).
2. Thể tỳ vị hư hàn
Đau vùng thượng vị liên miên, nôn nhiều, mệt mỏi, thích xoa bóp chườm nóng, đầy bụng, nôn ra nước trong, sợ lạnh, tay chân lạnh, đại tiện phân nát có lúc táo, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhợt, mạch hư tế.
III. Điều trị
1. Thể khí trệ
- Pháp điều trị: Hòa can lý khí (sơ can giải uất, sơ can hòa vị)
- Điều trị dùng thuốc: Có thể dùng thuốc theo đối pháp lập phương hoặc dùng một trong các bài thuốc sau:
Bài thuốc 1: Bột lá khôi
Lá khôi 10g Nhân trần 12g
Chút chít 10g Lá khổ sâm 12g
Bồ công anh 12g
Tán bột một ngày uống 30g với nước sôi để nguội.
Bài thuốc 2: Sài hồ sơ can thang
Sài hồ 12g Bạch thược 12g
Xuyên khung 08g Thanh bì 08g
Chỉ xác 08g Cam thảo 06g
Hương phụ 08g
Sắc uống ngày một thang chia 2 lần sáng, chiều.
Nếu đau nhiều thêm: Khổ luyện tử 08g, Diên hồ sách 08g
Nếu ợ chua nhiều thêm: Mai mực 20g.
- Châm cứu: Châm tả các huyệt Thái xung, Tam âm giao, Túc tam lý, Trung quản, Thiên khu, Can du, Tỳ du, Vị du.
- Nhĩ châm: Vùng Dạ dày, Giao cảm.
- Thủy châm: Thủy châm các huyệt trên bằng Atropin, Novocain, Vitamin B12 để cắt cơn đau.
2. Thể hỏa uất
- Pháp điều trị: Sơ can tiết nhiệt (thanh can hòa vị)
- Điều trị dùng thuốc: Có thể dùng thuốc theo đối pháp lập phương hoặc dùng một trong các bài thuốc sau
Bài thuốc 1:
Hoàng cầm 16g Mai mực 20g
Sơn chi 12g Mạch nha 20g
Hoàng liên 08g Cam thảo 06g
Ngô thù 02g Đại táo 12g
Sắc uống ngày một thang chia sáng, chiều.
Bài thuốc 2: Hóa can tiễn phối hợp với Tả kim hoàn gia giảm
Thanh bì 08g Bạch thược 12g
Chi tử 08g Đan bì 08g
Trần bì 06g Hoàng liên 08g
Bối mẫu 08g Ngô thù 04g
Trạch tả 08g
Sắc uống ngày một thang chia sáng, chiều.
- Châm cứu: Châm tả các huyệt trên thêm huyệt: Nội đình, Hợp cốc, Nội quan.
- Nhĩ châm: Như trên.
c. Thể huyết ứ
Pháp điều trị:
- Thực chứng: Thông lạc hoạt huyết hay lương huyết chỉ huyết.
- Hư chứng: Bổ huyết chỉ huyết.
* Điều trị dùng thuốc:
- Thực chứng
Bài thuốc 1:
Sinh địa 40g Cam thảo 06g
Hoàng cầm 60g Bồ hoàng 12g
Trắc bách diệp 16g Chi tử 08g
A giao 12g
Sắc uống ngày 01 thang chia 2 lần sáng, chiều.
Bài thuốc 2: Thất tiếu tán
Bồ hoàng 12g Ngũ linh chi 12g
Tán bột mỗi ngày uống 10g chia 2 lần sáng, chiều.
- Hư chứng
Bài thuốc 1:
Đẳng sâm 16g Kê huyết đằng 12g
Hoài sơn 12g Rau má 12g
Ý dĩ 12g Cam thảo dây 12g
Hà thủ ô 12g Đỗ đen sao 12g
Huyết dụ 12g
Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần sáng, chiều.
Bài thuốc 2: Tứ quân tử thang gia vị
Đẳng sâm 16g Hoàng kỳ 12g
Bạch truật 12g A giao 08g
Phục linh 12g Tây thảo 08g
Cam thảo 06g
Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần sáng, chiều.
* Châm cứu:
- Thực chứng: Châm tả các huyệt Can du, Thái xung, Tỳ du, Huyết hải, Hợp cốc.
- Hư chứng: Cứu các huyệt Can du, Tỳ du, Cao hoang, Cách du, Tâm du.
2. Thể tỳ vị hư hàn
- Pháp điều trị: Ôn trung kiện tỳ (ôn bổ tỳ vị, ôn vị kiện trung)
- Điều trị dùng thuốc: Dùng thuốc theo đối pháp lập phương hoặc dùng một trong các bài thuốc sau
Bài thuốc 1:
Sâm bố chính 12g Bán hạ chế 06g
Lá khôi 20g Sa nhân 10g
Gừng 04g Trần bì 06g
Nam mộc hương 10g
Sắc uống ngày một thang chia 2 lần sáng, chiều.
Bài thuốc 2: Hoàng kỳ kiến trung thang gia giảm
Hoàng kỳ 16g Quế chi 06g
Sinh khương 06g Bạch thược 08g
Cam thảo 06g Đai táo 12g
Hương phụ 08g Cao lương khương 06g
Sắc uống ngày một thang chia sáng, chiều.
Nếu đầy bụng, ợ hơi thêm: Chỉ xác, Mộc hương mỗi thứ 06g
Trong bụng đầy óc ách nước, nôn ra nước trong bỏ Quế chi thêm: Bán hạ chế 08g, Phục linh 08g.
- Châm cứu: Cứu Trung quản, Thiên khu, Tỳ du, Vị du, Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lý.
3. Điều trị kết hợp YHHĐ
Tùy thuộc vào mức độ và tính chất của ổ loét có thể dùng phối hợp với các thuốc sau:
- Thuốc kháng acid
- Thuốc ức chế thụ thể histamin H2: Cimetidin, Ranitidin, Famotidin..
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Omeprazol, Lansoprazol, Pantoprazol, Rabeprazol, Esomeprazol…
- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày Sucrafat
- Thuốc kháng H.pylori
+ Kháng sinh: Amoxyllin, Metronidazol, Clarithromycin...
+ Bismusth
IV. Phòng bệnh
Tránh đồ ăn cay, nóng, chất kích thích, nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại học Y Hà Nội, Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền, nhà xuất bản Y học, 2012
2. Đại học Y Hà Nội, Bệnh học nội khoa tập 2, nhà xuất bản Y học, 2012
3. Bệnh viện Bạch Mai, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa, nhà xuất bản Y học, 2011
Tin liên quan