Trang chủ / Tin tức & sự kiện / Tin tức & sự kiện

NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG TĂNG HUYẾT ÁP (17/5/2024): “ĐO HUYẾT ÁP ĐÚNG - KIỂM SOÁT HUYẾT ÁP TỐT - SỐNG KHỎE”

Ngày đăng: 2024-05-17

Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp năm 2024 với chủ đề “Đo huyết áp đúng – Kiểm soát huyết áp tốt – Sống khỏe” nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, xã hội về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp hiệu quả phòng, chống tăng huyết áp và bệnh tim mạch.

Hiện nay, tình trạng tăng huyết áp là phổ biến và ngày càng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị tăng huyết áp, kể cả trẻ em và người trẻ tuổi.

Tăng huyết áp là nguy cơ hàng đầu gây ra biến cố và tử vong do các bệnh tim mạch trên thế giới. Việt Nam hiện có khoảng 17 triệu người bị tăng huyết áp, tức là cứ bốn người trưởng thành thì có một người mắc. Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim và các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm trên 35% tổng số ca tử vong toàn quốc. Đặc biệt, trong 17 triệu người mắc tăng huyết áp ở cộng đồng thì có tới trên 50% chưa được phát hiện và trên 70% chưa được điều trị.

v Tăng huyết áp và các triệu chứng:

Huyết áp là áp lực máu ở trong lòng động mạch góp phần giúp cho máu được luân chuyển trong động mạch tới các mô và cơ quan.

          Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥90 mmHg.

           Tăng huyết áp có thể bao gồm các triệu chứng: Đau đầu, chảy máu cam, nhịp tim không đều, thay đổi thị lực và ù tai... nghiêm trọng hơn có thể gây ra mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa, lú lẫn, lo lắng, đau ngực và run cơ.

Hơn 90% tăng huyết áp không có nguyên nhân rõ rệt, nhưng có yếu tố nguy cơ góp phần làm tăng huyết áp, một người có càng nhiều yếu tố nguy cơ thì khả năng bị các bệnh tim mạch lại càng cao.

          Tăng huyết áp được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì nó tiến triển thầm lặng, thường không có triệu chứng, biến chứng nguy hiểm.

v Làm sao để biết mình bị tăng huyết áp?

           Để phát hiện tăng huyết áp điều cần thiết là phải đo huyết áp (HA) thường xuyên. Đo HA là cách duy nhất để phát hiện bệnh tăng huyết áp. Có thể đo HA tại nhà hoặc đến cơ sở y tế (CSYT) và dùng máy đo huyết áp điện tử hoặc huyết áp kế để đo. Khi trên đồng hồ hiển thị hiện chỉ số huyết áp tâm thu từ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên là tăng huyết áp.

v Cần làm gì khi phát hiện mắc tăng huyết áp?

          Khi phát hiện tăng huyết áp hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị sớm, tích cực bằng phác đồ thích hợp để nhanh chóng đạt huyết áp mục tiêu. Theo dõi huyết áp thường xuyên, nếu sau khi điều trị 01 tháng mà không đạt huyết áp mục tiêu thì đến CSYT khám để được tư vấn và thay đổi phác đồ phù hợp. Khi huyết áp đã ổn định thì khám và theo dõi định kỳ mỗi 1-3 tháng 1 lần.

      *Các biện pháp phòng ngừa:

-         Duy trì cân nặng lý tưởng với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 22,9;

Có chế độ ăn uống khoa học: ăn giảm muối (dưới 5g muối/ngày), ăn nhiều rau xanh và trái cây, ngũ cốc thô, cá, các loại dầu ôliu, dầu đậu nành... hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng.

-         Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: thường xuyên duy trì luyện tập, vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày và 5 ngày/tuần; các hình thức tập luyện tốt cho sức khoẻ có thể chọn là đi bộ, bơi lội, các môn thể thao vừa sức.

-         Ngoài chế độ dinh dưỡng khoa học và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, có thể phòng tránh THA hiệu quả bằng một số lưu ý trong cuộc sống hàng ngày như: Ăn đủ bữa, không ăn quá nhiều hay quá muộn, hạn chế bia, rượu, cà phê, ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào. Không thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc. Duy trì lối sống lành mạnh, giữ tâm trạng thoải mái, nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh.

          Bên cạnh đó bệnh nhân cần được theo dõi, quản lý bệnh lâu dài và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc để giảm bớt các nguy cơ xảy ra biến chứng và để duy trì mức huyết áp hợp lí.

Bạn hãy đăng nhập vào Facebook để thực hiện bình luận và chia sẻ bản tin này với bạn bè.

Tin liên quan

Đối tác liên kết
về đầu trang

Hòm thư góp ý