Trang chủ / Giới thiệu / Lịch sử phát triển / Lịch sử phát triển

Bệnh viện Y dược cổ truyền Quảng Ninh thời kỳ ở xã Tiền An - Thị xã Quảng Yên

Ngày đăng: 2017-08-24

Do vị trí Bệnh viện không thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh, tháng 11 năm 1969 UBND tỉnh và Sở Y tế quyết định chuyển Bệnh viện về xóm Thành Dền, xã Tiền An, huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên).

Là cơ sở cũ của Bệnh viện đa khoa Quảng Yên, khu khám chữa bệnh hầu hết là tranh tre, nứa lá đã hỏng nát, Bệnh viện đã tập trung sửa chữa để thu dung bệnh nhân. Thời điểm này, Bệnh viện rất thiếu cán bộ nên đã bổ sung một số lương y tại địa phương tham gia khám chữa bệnh như: lương y Đoàn Quế,  lương y Bùi Duy Quỳnh, lương y Bùi Duy Điếm, lương y Lê Văn Đe, lương y Đào Văn Mịch .... Quy mô bệnh viện tăng lên 100 giường bệnh nội trú, biên chế cán bộ viên chức là 70 người.

Tháng 4 năm 1971, Bệnh viện chuyển lên cơ sở mới cũng ở Quảng Yên, tại xóm Cỏ Khê, xã Tiền An, với cơ sở vật chất gồm 20 gian nhà ngói cấp 4; 30 gian nhà tranh tre vách đất để làm việc và khám chữa bệnh. Trong thời gian này, Bệnh viện đã được Sở Y tế trang bị cho 1 xe ô tô cứu thương.

Đầu năm 1972 giặc Mỹ lại đánh phá miền Bắc  với tính chất huỷ diệt, nhiều thành phố lớn và khu công nghiệp kinh tế trọng điểm ở miền Bắc nước ta bị ném bom, Bệnh viện phải sơ tán bệnh nhân và dụng cụ phục vụ vào ở nhờ nhà dân. Cán bộ, nhân viên bệnh viện vừa làm nhà, làm hầm trú ẩn cho bệnh nhân đảm bảo an toàn, vừa tiếp tục nhận bệnh nhân vào điều trị. Bệnh viện còn tham gia phối hợp với địa phương thành lập trung đội dân quân tự vệ làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cơ quan và tham gia trực chiến cùng với lực lượng quân sự địa phương sẵn sàng chiến đấu khi có máy bay tới xâm phạm. Bệnh viện thành lập đội cấp cứu chiến thương, sẵn sàng chi viện cho trận địa và cấp cứu nhân dân khi bị máy bay Mỹ đánh phá xuống làng mạc dân cư. Thời gian sơ tán vào nhà dân kéo dài trong 4 năm.

Đây là thời kỳ đời sống CBCNV cực kỳ khó khăn vất vả, vừa phải lo hoàn thành công tác chuyên môn trong tình hình máy bay giặc Mỹ đến bỏ bom đánh phá bất ngờ đêm ngày, vừa phải lo đời sống hàng ngày cho gia đình, lương thực, thực phẩm cung cấp không đủ, các gia đình nhân viên sơ tán mỗi người một nơi. Với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, toàn dân không ngại hy sinh gian khổ để giành lấy Tổ quốc hoà bình độc lập, tập thể CBCNV Bệnh viện  đã quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Để phù hợp với tình hình mới, ngày 5/11/981 UBND tỉnh Quảng Ninh đổi tên Bệnh viện thành Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

Nguồn: Tổ CNTT

Bạn hãy đăng nhập vào Facebook để thực hiện bình luận và chia sẻ bản tin này với bạn bè.

Tin liên quan

Đối tác liên kết
về đầu trang

Hòm thư góp ý