Trang chủ / Tin tức & sự kiện / Tin tức & sự kiện

HƯỞNG ỨNG “NGÀY ASEAN PHÒNG, CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT” NĂM 2023

Ngày đăng: 2023-06-15

Số ca mắc bệnh Sốt xuất huyết đã gia tăng đáng kể trên khắp thế giới từ 505.430 trường hợp vào năm 2000 lên 5,2 triệu vào năm 2019, trong đó 75% gánh nặng của bệnh tập trung ở khu vực châu Á Thái Bình Dương

Trước nguy cơ lan rộng của dịch sốt xuất huyết, 10 nước thành viên ASEAN và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thống nhất lấy ngày 15/6 hàng năm là “Ngày ASEAN phòng, chống Sốt xuất huyết” nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng và vận động các nguồn lực để kiểm soát căn bệnh này.

          Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phía Nam. Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 33.695 trường hợp mắc (trong đó 8 ca tử vong). Những năm qua, các ca mắc sốt xuất huyết đã giảm đáng kể, song vẫn còn ở mức cao và có nguy cơ bùng phát thành dịch gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

          Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm do vi-rút Dengue gây ra. Bệnh truyền sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm vi rút Dengue. Mặc dù nhiều trường hợp mắc bệnh nhẹ nhưng đôi khi bệnh diễn tiến nghiêm trọng thậm chí gây tử vong. Các biện pháp không chỉ dừng lại ở việc duy trì môi trường sạch sẽ và tiêu diệt muỗi, mà còn nằm trong sự thay đổi thói quen sống hàng ngày của người dân. Điển hình như không để nước đọng trong chậu hoa, bể cá và thường xuyên làm sạch các vật dụng có thể chứa nước, đậy kín và lật úp các đồ chứa nước như thùng, chum, vại, các xô, thùng, chậu sau khi rửa. Cùng với đó là sử dụng các phương tiện phòng ngừa muỗi như: Kem, xịt hay bình phun muỗi để giảm nguy cơ mắc sốt xuất huyết.

          Bên cạnh đó, các cơ sở Y tế các đơn vị cần thực hiện giám sát dịch tễ bệnh sốt xuất huyết và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát. Tổ chức tốt việc khám, phân độ, phân tuyến, thu dung, điều trị bệnh nhân.


          Thông qua sự kiện này, để phòng chống bệnh hiệu quả, cần sự chung tay của cộng đồng, chính quyền các cấp, ban ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là ý thức tự giác của mỗi người dân trong cộng đồng cùng hành động. Trách nhiệm với sức khỏe của bản thân, của gia đình và xã hội tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản và thiết thực ngay tại hộ gia đình nhằm: “Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”.

Bạn hãy đăng nhập vào Facebook để thực hiện bình luận và chia sẻ bản tin này với bạn bè.

Tin liên quan

Đối tác liên kết
về đầu trang

Hòm thư góp ý