Ngày đăng: 2022-11-14
Ngày “Thế giới phòng chống Đái tháo đường” được tổ chức lần đầu tiên vào 14/11/1991, đánh dấu cột mốc ngày sinh của Frederick Banting, đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra Insulin, một phương pháp điều trị cứu sống bệnh nhân đái tháo đường vào năm 1922.
Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2021, trên thế giới ước tính có 537 triệu người trưởng thành (20 – 79 tuổi) hằng ngày đang phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và 784 triệu vào năm 2045. Bệnh Đái tháo đường chính là nguyên nhân gây ra 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2021. Trung bình cứ 5 giây lại có 1 ca tử vong.
1. Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường:
Bệnh nhân ĐTĐ ở giai đoạn sớm có thể không có bất kỳ triệu chứng nào, chỉ có thể chẩn đoán dựa vào xét nghiệm máu hoặc khám bệnh lý khác. Khi đường trong máu tăng cao, bệnh nhân có thể có các triệu chứng sau:
- Ăn nhiều: Ăn thường xuyên, bệnh nhân lúc nào cũng cảm thấy đói.
- Uống nhiều: Bệnh nhân khát nước và uống liên tục
- Tiểu nhiều: Tiểu nhiều, đặc biệt là tiểu đêm
- Gầy sút cân nhiều: Sút cân nhanh chóng dù chế độ ăn uống vẫn đầy đủ. Tình trạng sút cân đột ngột thường thấy rõ nhất ở người bệnh tiểu đường type 1
Ngoài ra, các triệu chứng tiểu đường thường gặp khác:
Mờ mắt; Mệt mỏi; Vết thương lâu lành; Môi khô; Da khô, ngứa; Cảm giác châm chích 2 bàn chân; Co giật hay hôn mê do tăng đường huyết….
Nếu bệnh đái tháo đường không được chữa trị, sẽ có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng như: Hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong, bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc…
2. Các khuyến cáo trong chỉnh lối sống của bệnh nhân đái tháo đường:
1. Ăn uống lành mạnh
Theo khuyến nghị của Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), khẩu phần ăn trong ngày của người ĐTĐ cũng phải đủ 3 thành phần chính:
Ngoài ra cần chú ý bổ sung vitamin, chất khoáng, chất xơ có nhiều trong rau, củ, quả và trái cây “ít ngọt”.
Ngoài kiêng các món ăn, thức uống có đường ngọt, người Đái tháo đường cũng cần giảm ăn chất béo như thịt nguội, thịt mỡ, pho mát, khoai tây chiên. Người bệnh nên ăn cá 2-3 lần trong tuần, và hạn chế uống rượu, bia.
2. Vận động thích hợp
Đái tháo đường đồng nghĩa với dư thừa năng lượng, thừa ăn. Cho nên cần tích cực hoạt động thể lực để giúp cơ thể tiêu hao năng lượng thừa, giúp cơ thể tiêu thụ đường dễ dàng hơn, nâng cao sức khỏe của toàn cơ thể, luyện tập thể lực cũng như giúp tinh thần, sảng khoái và cuối cùng luyện tập thể lực cũng sẽ làm tăng sức đề kháng, chống đỡ bệnh tật.
Nguyên tắc luyện tập thể lực là: Luyện tập phải dần dần và thích hợp, Phải đề phòng hạ đường máu khi tập thể lực, không tập quá sức hoặc tập thể lực khi đang có bệnh cấp tính, khi chưa kiểm soát đường máu ổn định
3. Cố gắng giảm cân
Thừa cân, béo phì vừa là nguy cơ vừa là yếu tố làm nặng thêm các triệu chứng Đái tháo đường. Các chuyên gia nội tiết cho thấy chỉ giảm 5- 7 phần trăm trọng lượng cơ thể sẽ giúp ổn định đường trong máu và cải thiện tình trạng kháng insulin.
4. Bỏ hút thuốc lá
Giúp hạ đường huyết và giảm các biến chứng mắt, đột quỵ, bệnh thận, bệnh mạch máu, thần kinh và chân…
5. Kiểm soát các stress
Stress sẽ làm đường máu tăng theo cơ chế “chiến đấu hay chạy trốn”. Do đó, kiểm soát stress qua tập thể dục, khí công, yoga, thư giãn rất hữu ích để hỗ trợ điều trị Đái tháo đường.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, việc điều chỉnh lối sống tích cực có thể ngăn giảm nguy cơ phát bệnh đến 58% và chậm phát triển thành Đái tháo đường rất hiệu quả. Có thể nói điều chỉnh lối sống là khâu đầu tiên, quan trọng, được nhiều chuyên gia, nhiều hiệp hội đái tháo đường của tất cả các nước trên thế giới ghi vào các hướng dẫn điều trị, đặc biệt là với những trường hợp tiền Đái tháo đường, là giai đoạn nhẹ và khởi đầu.
Tin liên quan