Trang chủ / Tin tức & sự kiện / Tin tức & sự kiện

NGÀY SỨC KHỎE THẾ GIỚI (07/04)

Ngày đăng: 2023-04-07

Năm 1948, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Y tế Thế giới. Hội nghị này đã quyết định bắt đầu từ năm 1950 lấy ngày 7 tháng 4 hàng năm làm ngày Sức khỏe Thế giới (World Health Day).

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới nói chung, ngày Sức khỏe thế giới năm 2023 WHO lựa chọn chủ đề “Sức khỏe cho mọi người”. Đây đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 75 năm thành lập WHO - cơ hội để nhìn lại những thành công về sức khỏe cộng đồng đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong bảy thập kỷ qua.

WHO đã và đang giải quyết những thách thức chính cho sứ mệnh của mình: dẫn đầu các nỗ lực nhằm cải thiện các điều kiện xã hội để mọi người được sinh ra, lớn lên, làm việc, sống và già đi với sức khỏe tốt. Do đó, mục tiêu đạt được Sức khỏe cho mọi người ngày nay vẫn quan trọng như cách đây 75 năm. Đối với WHO, đây vẫn là một lộ trình quan trọng để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 3 của Liên Hợp Quốc, được củng cố bởi 16 SDG khác sẽ đạt được vào năm 2030.

Thế giới ngày càng khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu của y tế công cộng, hướng tới chăm sóc sức khỏe người dân theo mô hình y học gia đình, hạn chế lưu trú tại bệnh viện. Điều trị không chỉ tập trung vào chữa bệnh mà phải chăm 

sóc toàn diện người bệnh. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng giúp cho hàng hóa và người lao động Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng có cơ hội thâm nhập vào thị trường thế giới, đồng thời người dân có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các cơ sở y tế nước ngoài có trang thiết bị và kỹ thuật tiên tiến ngay trong nước.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát dịch COVID-19; nâng cao năng lực phát triển, giám sát, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị. Bảo đảm đủ vaccine để tiêm phòng cho các đối tượng, bao gồm vaccine cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi. Can thiệp dự phòng và kiểm soát tốt các bệnh mạn tính không lây như đái tháo đường thai kỳ, ung thư đường sinh sản, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân, đáp ứng các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như đồng bào dân tộc thiểu số, vị thành niên, người di cư, người khuyết tật, người cao tuổi, , hướng đến đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững năm 2030.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình sức khỏe Việt Nam, Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe như ăn uống hợp vệ sinh, không hút thuốc lá, thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia, đồ uống có cồn khác; tăng cường vận động thể lực, thực hiện 10.000 bước chân mỗi ngày. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét. Củng cố vững chắc hệ thống tiêm chủng, thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, an toàn, nhất là ở các “vùng lõm” tiêm chủng.

Giám sát tình trạng suy dinh dưỡng, bổ sung vi chất dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai; cung cấp thực phẩm dinh dưỡng để điều trị trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính. Đảm bảo dinh dưỡng hợp vệ sinh, phù hợp điều kiện làm việc cho người lao động.

Tập trung xử lý tận gốc những nguyên nhân dẫn đến các mối đe dọa đối với sức khỏe người dân thông qua việc mở rộng năng lực ứng phó các bệnh truyền nhiễm mới lây từ động vật sang người, bệnh có nguồn gốc từ động vật, bệnh nhiệt đới và do vật trung gian lây truyền, đồng thời ngăn chặn các nguy cơ về an toàn thực phẩm, tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Theo WHO, thế giới đang cùng lúc đối mặt nhiều thách thức về y tế, khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết bùng phát trở lại tại nhiều nước. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm mối lo ngại về sức khỏe tâm thần tại các quốc gia. Các dịch bệnh bùng phát cùng lúc như hiện nay đang đặt ra nhu cầu cấp thiết không chỉ trong việc củng cố hệ thống y tế tại các nước, mà còn tăng cường sự phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế nhằm phát hiện và giải quyết các mối đe dọa tiềm ẩn đối với sức khỏe người dân.

Bạn hãy đăng nhập vào Facebook để thực hiện bình luận và chia sẻ bản tin này với bạn bè.

Tin liên quan

Đối tác liên kết
về đầu trang

Hòm thư góp ý