Ngày đăng: 2025-01-22
Sau hơn 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, nhất là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đất nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều điểm nóng, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh, không còn khả năng tiếp nhận chất thải, gây hậu quả nghiêm trọng, an ninh sinh thái bị đe dọa. Những vấn đề này cản trở mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại, ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn đề không thể tránh khỏi, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí bụi mịn, đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí ở Việt Nam đang đứng trong top 10 ở Châu Á. Nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần so với mức độ không khí đảm bảo.
Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí đến từ rất nhiều nguồn, cơ bản có hai nguyên nhân chính là từ nhân tạo và tự nhiên.
- Nguyên nhân từ tự nhiên:
Ô nhiễm không khí do phun trào núi lửa: Núi lửa phun trào mang theo một lượng lớn chất dinh dưỡng cho đất. Tuy nhiên, lượng lớn khí Metan, Clo, Lưu huỳnh sinh ra trong quá trình phun trào núi lửa lại là nguyên nhân khiến không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Cháy rừng: Những đám cháy sẽ sản sinh ra một lượng Nito Oxit khổng lồ. Hơn thế, cháy rừng còn giải phóng một lượng khói bụi và tàn tro lớn vào không khí.
Gió là tác nhân gián tiếp gây ô nhiễm: Không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng gió cũng là nguyên nhân gián tiếp gây ô nhiễm môi trường không khí. Gió chính là phương tiện đưa bụi bẩn, các chất khí độc hại từ các nhà máy, thiên tai... đi xa và lan rộng. Điều này khiến sự ô nhiễm lây lan một cách chóng mặt.
Ô nhiễm không khí do những cơn bão: Những cơn bão sẽ sản sinh ra một lượng lớn khí COx và bụi mịn, điều này càng làm tăng sự ô nhiễm trong không khí.
Ngoài những nguyên nhân trên thì việc phân hủy xác chết động vật, sóng biển hay phóng xạ tự nhiên cũng là những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí.
- Nguyên nhân từ con người (nhân tạo)
Con người là nạn nhân của việc ô nhiễm môi trường, tuy nhiên con người cũng chính là những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Rất nhiều các hoạt động hằng ngày của con người góp phần gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.
Hoạt động sản xuất công, nông nghiệp: Đây là nguyên nhân chính, gây nhức nhối cho cộng đồng và nhà nước, không riêng gì Việt Nam mà rất nhiều các nước đang phát triển đều vướng phải tình trạng này. Khói bụi từ các ống xả của nhà máy, xí nghiệp trong những khu công nghiệp làm đen ngòm một khoảng trời. Chúng thải ra các khí CO2, CO, SO2, NO2 cùng một số chất hữu cơ khác, với nồng độ cực cao. Những khu công nghiệp này không chỉ làm ô nhiễm môi trường không khí mà còn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường nước, khiến cho các “làng ung thư” được hình thành. Mưa Axit cũng chính là hậu quả của những hoạt động sản xuất công nghiệp không xử lý chất thải đúng cách gây nên. Việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hay các hoạt động đốt rơm, rạ, đốt rừng làm rẫy cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường không khí.
Giao thông vận tải: Đây chính là nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm không khí hiện nay. Với một số lượng các phương tiện giao thông khổng lồ và di chuyển liên tục, lượng khí thải từ các phương tiện này cũng vô cùng khủng khiếp. Đặc biệt, đối với những xe đã cũ, hệ thống máy móc hoạt động kém thì lượng khí thải càng lớn. Các phương tiện giao thông thải vào không khí các chất độc hại như: CO, VOC, NO2, SO2... với nồng độ cực cao và liên tục. Nguyên nhân này chỉ đứng sau hoạt động công nghiệp, khi mà lượng khí thải từ các phương tiện giao thông xả ra môi trường rất lớn. Theo báo cáo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) giao thông vận tải đóng góp 24,34% lượng Carbon mỗi năm.
Hoạt động quốc phòng, quân sự: Các chất độc chiến tranh, các nghiên cứu quân sự đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Dù chiến tranh đã qua đi rất lâu nhưng những nạn nhân chất độc màu da cam vẫn còn rất lớn. Ngoài ra, các mối đe dọa từ bom hạt nhân vẫn luôn thường trực mỗi ngày, nếu chúng bị rò rỉ thì hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng.
Hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng: Các hoạt động xây dựng cao ốc, chung cư cao tầng hay cầu đường luôn luôn mang đến sự ô nhiễm môi trường không khí nặng nề. Khi vận chuyển vật liệu, cho dù được che chắn kỹ lưỡng thì các bụi bẩn cũng sẽ vương vãi ra môi trường và gây ô nhiễm. Chưa kể, đối với những trường hợp không được che chắn sẽ bị rơi vật liệu ra đường, gây nguy hiểm và sản sinh lượng khói bụi khổng lồ có thể cản trở các phương tiện cùng lưu thông trên đường. Do vậy, việc chú ý che chắn đúng cách khi vận chuyển vật liệu là bắt buộc phải làm.
Thu gom xử lý rác thải: Việc rác thải được thải ra quá nhiều khiến cho các khu tập kết rác không xử lý được hết khiến cho mùi hôi thối bốc ra. Hay các phương pháp xử lý thủ công như đốt khiến cho không khí bị ô nhiễm trầm trọng.
Hoạt động sinh hoạt: Trong quá trình nấu nướng, các khí thải từ nguyên liệu cháy như gas, than, củi...sẽ giải phóng một lượng lớn khí độc và bụi vào môi trường khí. quá trình này sẽ sản sinh một lượng lớn khí CO, CO2, NOx, SOx... rất độc hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vấn đề ô nhiễm không khí được coi là “kẻ giết người thầm lặng”, có đến 92% dân số hiện đang sống trong bầu không khí bị ô nhiễm. Ở Việt Nam, hơn 60.000 người tử vong hàng năm do vấn đề ô nhiễm không khí, trong đó khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi. Tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%... Các hạt mịn trong không khí bị ô nhiễm có thể thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh như đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động và ảnh hưởng tới các nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của con người. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, tình hình ô nhiễm môi trường không khí có thể trở nên tồi tệ hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường, bao gồm làm giảm chất lượng nước, cạn kiệt nguồn thuỷ sản, làm chua đất, giảm diện tích rừng, thay đổi thời tiết, khí hậu, và làm giảm tầm nhìn. Ô nhiễm môi trường không khí còn gây ra mưa axit, một trong những nguyên nhân phá hủy đa dạng sinh học, làm suy giảm chất lượng nước và đất, gây hại cho cây trồng và động vật, làm thay đổi chất lượng nguồn nước sông, suối, hồ. Các hợp chất hóa học cũng có khả năng kết hợp với nước có trong không khí. Điều này có thể làm chết hàng loạt động vật và thực vật.
Trước tình hình ô nhiễm môi trường không khí ngày càng trầm trọng đang diễn ra, mỗi chúng ta cần phải hành động để bảo vệ sức khỏe cũng như hành tinh của chúng ta. Để khắc phục ô nhiễm môi trường không khí chúng ta cần:
Cải thiện thói quen sinh hoạt: Một trong những biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí, hiệu quả nhất chính là cải thiện thói quen sinh hoạt. Việc này có thể được thực hiên bằng cách xử lý rác thải đúng cách, không đốt rác hoặc những nhân tố dư thừa bừa bãi. Điều này giúp hạn chế lượng khí thải độc hại và bụi bẩn bị đẩy ra môi trường. Thay thế các nhiên liệu đốt từ than, củi, gas sang các thiết bị điện hiện đại, vừa an toàn vừa khắc phục được ô nhiễm không khí. Tắt các thiết bị điện không cần thiết. Sử dụng phương tiện công cộng cho việc di chuyển để giảm khí thải từ phương tiện giao thông
Xử lý khí thải công nghiệp đúng quy định: Để có thể khắc phục ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp phải tuân thủ những quy định về xử lý và đưa chất thải ra môi trường. Thay thế những loại máy móc lạc hậu bằng các dây chuyền sản xuất hiện đại và tiên tiến, hạn chế gây ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung.
Dùng biện pháp kỹ thuật: Biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí hiệu quả và an toàn nhất hiện nay là dùng hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại và công nghệ sinh học để lọc và làm sạch không khí. Không khí sau khi được lọc sạch chất thải sẽ được thải ra môi trường. Điều này góp phần giảm sự ô nhiễm không khí rõ rệt.
Quy hoạch và trồng cây xanh: Ngoài những biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí nêu trên, trồng và phát triển những khu rừng nhân tạo cũng là một biện pháp cực kỳ hữu ích. Cây xanh góp phần lọc không khí và ngăn ngừa những thiên tai tự nhiên. Trồng cây xanh tại các công viên và vỉa hè ở các đô thị lớn để giảm tình trạng khí thải, khói bụi và góp phần làm hạ nhiệt độ cũng như tăng sự trong lành không khí.
Thông tin về chất lượng không khí của các tỉnh, thành phố thường xuyên được cập nhật trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường (http://cem.gov.vn). Chỉ số chất lượng không khí được Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, phân thành nhiều mức nhằm mục tiêu cảnh báo. Khi chất lượng không khí ở mức xấu (AQI từ 150 trở lên) gây ảnh hưởng tới sức khỏe của những người bình thường, đối với nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý Môi trường y tế đã xây dựng khuyến cáo phòng chống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng kèm theo công văn số 8/MT-SKMT ngày 08/01/2025.
1. Các biện pháp bảo vệ sức khỏe chung:
- Khi ra khỏi nhà, thường xuyên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo đúng quy cách.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ, dọn dẹp thông thoáng môi trường.
- Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, đốt rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga.
- Trồng cây xanh giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
- Tránh xa khói thuốc lá, không nên hút thuốc trong nhà.
- Thường xuyên theo dõi sức khỏe và thực hiện khám sức khỏe định kỳ.
* Đối với những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí (trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp….)
- Nên tránh tiếp xúc với các nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông; các công trình xây dựng; khu vực đun nấu đốt nhiên liệu bằng than, rơm, rạ hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm khác.
- Trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi phế quản, huyết áp, tim mạch…cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, tư vấn, điều trị.
- Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng
- Chú ý giữ ấm cơ thể về mùa đông, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột.
- Người già, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ việc khám sức khỏe định kỳ.
2. Các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức trung bình (AQI ở mức 51-100):
- Đối với người bình thường: tham gia các hoạt động ngoài trời không hạn chế
- Đối với những người nhạy cảm:
+ Giảm thời gian hoạt động ngoài trời và các hoạt động vận động cần gắng sức
+ Theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
3. Các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức kém (AQI ở mức 101-150):
- Đối với người bình thường:
+ Giảm thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời, nhất là những người có triệu chứng đau mắt, ho, đau họng
+ Hạn chế hoặc tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao (như đường phố, các công tình xây dựng, các điểm giao cắt giao thông…)
+ Đối với học sinh có thể tham gia các hoạt động ngoài trời tuy nhiên hạn chế các hoạt động tập thể dục hoặc các hoạt động cần gắng sức trong thời gian dài.
- Đối với người nhạy cảm:
+ Hạn chế hoạt động ngoài trời và hoạt động cần gắng sức. Tăng thời gian nghỉ ngơi và hoạt động nhẹ nhàng; giảm hoặc ngừng vận động ngay khi nhận thấy xuất hiện các triệu chứng như ho, tức ngực hoặc thở khò khè.
+ Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường.
+ Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ
+ Theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn điều trị
4. Các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI ở mức 151-200):
- Đối với người bình thường:
+ Hạn chế các hoạt động ngoài trời hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Nếu phải làm việc, hoạt động ngoài trời nên bố trí, lựa chọn thời điểm ít bị ô nhiễm tỏng ngày, cần nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các hoạt động với cường độ vừa phải.
+ Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao (như đường phố, các công tình xây dựng, các điểm giao cắt giao thông…). Hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc vơi skhoong khí bị ô nhiễm.
+ Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các hộ gia đình gần đường giao thông.
+ Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường và trước khi đi ngủ.
- Đối với người nhạy cảm:
+ Tránh các hoạt động ngoài trời và hoạt động cần gắng sức. Nên thực hiện các hoạt động tập thể dục trong nhà; Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
+ Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường và buổi tối trước khi đi ngủ.
+ Theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn điều trị
5. Các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức rất xấu (AQI ở mức 201-300):
- Đối với người bình thường:
+ Tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức. Nếu phải làm việc. Khuyến khích thực hiện các hoạt động trong nhà.
+ Tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao (như đường phố, các công tình xây dựng, các điểm giao cắt giao thông…). Hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc vơi skhoong khí bị ô nhiễm.
+ Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các hộ gia đình gần đường giao thông.
+ Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường và trước khi đi ngủ.
- Đối với người nhạy cảm:
+ Tránh các hoạt động ngoài trời và hoạt động cần gắng sức. Nên thực hiện các hoạt động tập thể dục trong nhà; Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
+ Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường và buổi tối trước khi đi ngủ.
+ Theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn điều trị
6. Các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại (AQI ở mức 301-500):
- Đối với người bình thường:
+ Tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà.
+ Đóng các cửa sổ, cửa ra vào để hạn chế, tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm
- Đối với người nhạy cảm:
+ Tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà.
+ Đóng các cửa sổ, cửa ra vào để hạn chế, tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm
+ Theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
+ Đối với lớp mẫu giao, nhà trẻ, trường tiểu học có thể xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 03 ngày liên tục. Nếu bắt buộc đi học cần tránh các hoạt động ngoài trời hoặc điều chỉnh thời gian học cho hợp lý.
Ngày 16/1/2024, chất lượng môi trường không khí tại Quảng Ninh đạt mức tốt. Với sự nỗ lực của Tỉnh, các Sở, ngành, địa phương và sự vào cuộc của các doanh nghiệp là động lực thúc đẩy lớn góp phần giúp môi trường trên địa bàn Quảng Ninh nói chung và môi trường không khí nói riêng ngày càng chuyển biến tích cực, bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như mang lại tín hiệu khả quan cho đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, mỗi người trong chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hơn nữa, đồng thời áp dụng các biện pháp cải thiện chất lượng không khí để cuộc sống được trong lành và an toàn.
Tin liên quan