Trang chủ / Giới thiệu / Hoạt động khoa học / Tài liệu tham khảo / Tài liệu tham khảo

Phác đồ điều trị bệnh trĩ

Ngày đăng: 2017-07-11

I. Đại cương

- Trĩ là một bệnh thường gặp ở cả nam và nữ, lứa tuổi chủ yếu là trung niên trở nên. Tỉ lệ mắc bệnh trĩ ở người Việt Nam chiếm khoảng 50% dân số ở người trưởng thành.

- Theo YHHĐ nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh trĩ là do lao động vất vả, ăn uống không điều độ, bệnh nghề nghiệp: đứng nhiều, ngồi nhiều, táo bón kéo dài, viêm đại tràng mãn tính cơ địa.


II. Chẩn đoán

A.Theo YHHĐ

1. Lâm sàng

- Cơ năng: Đại tiện trĩ sá ra ngoài nhiều hay ít, có máu đỏ tươi thành giọt hay thành tia, cảm giác khó chịu ở vùng hậu môn: đau, rát, căng tức khó chịu, sưng đau hậu môn, ngứa ngáy, có thể có chảy dịch.

- Thực thể: Thăm khám hậu môn trực tràng

Thăm tay: Niêm mạc hậu môn trực tràng mềm mại như nhung, không có u cục, không đau.

Nhìn ngoài: Có thể thấy các búi trĩ sa ra ngoài ống hậu môn, hoặc bảo bện nhân rặn thấy các búi trĩ lòi ra ngoài.

Biến chứng: Chảy máu kéo dài gây tình trạng thiếu máu, nghẹt các búi trĩ, huyết khối búi trĩ.

- Phân chia độ trĩ: Trĩ chia làm 2 loại: Trĩ nội và trĩ ngoại.

Trĩ ngoại: Các búi trĩ ở bên ngoài hậu môn, nhìn thấy được.

Trĩ nội : Chia làm 4 độ:

Độ I: Đại tiện trĩ không sa ra ngoài sau khi đại tiện bệnh nhân có cảm giác tức nặng, khó chịu ở hậu môn.

Độ II: Đại tiện trĩ sa ra ngoài sau tự co lên được.

Độ III: Đại tiện trĩ sa ra ngoài không tự co lên được, phải đẩy trĩ lên.

Độ IV: Đại tiện trĩ sa ra ngoài phải đẩy trĩ lên, nhưng khi ngồi xổm hoặc đi bộ trĩ lại lòi ra ngoài.

- Phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại: Trĩ nội nằm trên đường lược, trĩ ngoại nằm dưới đường lược.

2. Cận lâm sàng

Soi hậu môn trực tràng bằng ống cứng giúp xác định số lượng các búi trĩ, phân độ các búi trĩ, xác định các biến chứng, trĩ nội, trĩ ngoại.

- Làm công thức máu, máu chẩy , máu đông để xác định có thiếu máu hay không.

- Sinh hóa máu: Ure, creatinin, cholesterol, triglicerid,…

Chẩn đoán phân biệt: Ung thư ống hậu môn trực tràng: máu đỏ tươi, đau rát hậu môn liên tục, đau tăng khi đại tiện, luôn có cảm giác mót rặn, soi ống hậu môn có khối u sùi loét ống hậu môn.

Sa trực tràng: sa niêm mạc trực tràng hay trực tràng sa ra ngoài không có mạch máu căng giãn.

3. Điều trị

Thay đổi lối sống, tránh lao động thường xuyên ở tư thế ngồi xổm hay đứng lâu, không ăn các chất cay nóng, uống bia rượu. Ăn nhiều rau, hoa quả tươi, uống nhiều nước. tập thói quen đi đại tiện vào một giờ nhất định. Thường xuyên tập thể dục, tập luyện thể thao.

- Can thiệp điều trị trĩ nội:

+ Thắt búi trĩ bằng vòng cao su.

+ Điều trị bằng tia laze.

+ Tiêm xơ teo búi trĩ.

+ Thuốc: thuốc có tác dụng tăng cường sức bền mạch máu, làm giảm tính căng giãn và ứ trệ của tĩnh mạch như: Daflon, ginkofort.

Tại chỗ: Bôi hay đặt thuốc hỗ trợ giúp tăng trương lực tĩnh mạch và giảm đau như: Titanorein, Proctoloc,…

- Điều trị biến chứng:

+ Huyết khối trĩ: Rạch búi trĩ lấy cục máu đông, điều trị trĩ bằng thuốc hay phẫu thuật.

+ Trĩ nghẹt: Đẩy búi trĩ lên, không nên cố, nếu cố nhiều có thể làm bệnh nhân đau.

+ Trĩ chảy máu: Truyền máu khi có thiếu máu, dùng thuốc transamin.

- Điều trị ngoại khoa:

Chỉ định: Trĩ chảy máu nhiều, trĩ ngoại, trĩ hỗn hợp, khi các phương pháp điều trị nội khoa không kết quả. Trĩ có biến chứng: Huyết khối trĩ, trĩ nghẹt, trĩ độ 3, độ 4


4. Các biện pháp phẫu thuật: Phẫu thuật Miligan-Morgan.

Tại bệnh viện YDCT Quảng Ninh phẫu thuật trĩ bằng máy LG2000 đảm bảo bệnh nhân nhanh khỏi, ít đau đớn, chóng được xuất viện, đặc biệt là không gây hẹp hậu môn sau phẫu thuật, đảm bảo thẩm mĩ.


B. Theo YHCT

I. Đại cương

Trĩ là một bệnh rất hay gặp ở vùng hậu môn trực tràng. Cổ nhân có câu: “Thập nhân cửu trĩ”

- Theo báo cáo của hội hậu môn trực tràng Việt Nam tháng 6 năm 2005 thì Việt Nam bệnh trĩ chiếm 50% dân số ở người trưởng thành.

- Bệnh trĩ ít nguy hiểm nhưng nó gây phiền hà cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần, hạnh phúc à khả năng lao động của người bệnh.

II. Nguyên nhân gây bệnh

- Phát sinh bệnh trĩ không chỉ do bệnh lý tại chỗ mà còn do yếu tố toàn thân như: âm dương thiếu cân bằng, tạng phủ khí huyết hư tổn cùng với thấp nhiệt, phong táo, ăn uống, nghề nghiệp gây ra.

+ Thấp nhiệt: gây ra phân lỏng, nát, lỵ mót rặn nhiều.

+ Tràng táo: táo nhiệt ở đại trường lâu ngày làm tổn thương âm tân dịch hư hao, huyết nhiệt, nhiệt bức huyết vong hành gây ra chảy máu.

+ Khí hư hạ hãm lâu ngày làm cho trĩ sa ra ngoài.

+ Các yếu tố khác như: ăn uống mất điều hòa, ăn nhiều đồ cay nóng, uống nhiều rượu bia, ăn ít rau quả, uống ít nước,phụ nữ chửa đẻ kiêng khem quá mức


III. CÁC THỂ LÂM SÀNG

1. Thể thấp nhiệt ở đại trường

Đại tiện ra máu sắc đỏ tươi, số lượng nhiều hoặc ít, trĩ sa theo độ, đau nóng rát hậu môn, đại tiện táo hoặc đau quặn bụng, mót rặn, đại tiện bí, khó đi, đại tiện vàng sẻn, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền tế sác.

Pháp điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết chỉ huyết.

Bài thuốc: Hòe hoa tán gia giảm

Hòe hoa 12g (sao vàng đậm)          Kinh giới tuệ 12g (sao cháy)

Chỉ thược 10g                                 Trắc bá diệp 12g (sao cháy)

Hoàng bá 10g

Sắc uống ngày một thang, chia hai lần.

*Thuốc sản xuất tại bệnh viện

- Hoàn lục vị 5g, uống ngày từ 8 – 10 viên chia 2 lần.

- Chè cầm máu 3g, uống ngày 3 gói chia 3 lần.

2. Thể tỳ hư không nhiếp huyết

Đại tiện ra máu tươi sắc nhạt màu lượng có thể nhiều hay ít khác nhau kèm theo sắc mặt kém tươi nhuận, hồi hộp mệt mỏi, ăn ngủ kém, phân táo hoặc lỏng thất thường, trĩ sa, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng, mạch tế vô lực.

Pháp điều trị: kiện tỳ ích khí nhiếp huyết

Bài thuốc: Quy tỳ thang gia giảm

Hoàng kỳ 12g                              Mộc hương 04g

Bạch linh 10g                               Bạch truật 12g

Đan bì 10g                                   Trần bì 10g

Chế hoàng tinh 12g                      Chi tử 10g (sao đen)

Đương quy 12g                            Cam thảo sao 06g

Đảng sâm 12g

 Sắc uống ngày 01 thang chia 2 lần

*Thuốc bệnh viện sản xuất

+ Hoàn quy tỳ 5g, ngày uống 08 viên chia 2 lần

+ Chè cầm máu 3g, ngày uống o3 gói chia 3 lần

3. Thể khí hư hạ hãm

Hay gặp ở bệnh nhân có tuổi mắc bệnh lâu ngày trĩ sa ra không tự co lên được, kèm theo sa niêm mạc trực tràng chảy máu tươi khi đại tiện, săc nhạt màu kèm theo tinh thần mệt mỏi suy nhược, hụt hơi ngại nói, sắc mặt kém tươi nhuận, hồi hộp váng đầu, ăn ngủ kém. Đại tiện phân nát, tiểu tiện trong dài. Chất lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm tế nhược.

Pháp điều trị: Ích khí dưỡng huyết, thăng đề, cố nhiếp.

Bài thuốc: Bài bổ trung ích khí thang gia giảm

Đảng sâm 12g                            Thăng ma 12g

Hoàng kỳ 12g                              Sài hồ 10g

Xuyên quy 12g                            Trần bì 10g

Bạch truật 10g                             Cam thảo 06g

Chi tử (sao đen) 10g

Sắc uống ngày 01 thang chia 2 lần

*Thuốc của bệnh viện sản xuất

+ Hoàn bổ trung 5g, ngày uống 10 viên chia 2 lần sáng - chiều

+ Chè cầm máu 3g, ngày uống 03 gói chia 3 lần

+ Thuốc ngâm trĩ 20g, ngày ngâm hậu môn 02 gói chia 2 lần (mỗi lần ngâm 15 phút)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Khoa Y học cổ truyền trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền, nhà xuất bản Y học, 2012

2. Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa, nhà xuất bản Y học, 2012.

Bạn hãy đăng nhập vào Facebook để thực hiện bình luận và chia sẻ bản tin này với bạn bè.

Tin liên quan

Đối tác liên kết
về đầu trang

Hòm thư góp ý