Trang chủ / Giới thiệu / Hoạt động khoa học / Tài liệu tham khảo / Tài liệu tham khảo

Viêm quanh khớp vai

Ngày đăng: 2017-07-11

I. Đại cương
Viêm quanh khớp vai là một cụm từ bao gồm tất cả những trường hợp đau và hạn chế vận động của khớp vai, mà tổn thương là ở phần mềm quanh khớp chủ yếu là gân cơ, dây chằng và bao khớp. Theo định nghĩa này, viêm quanh khớp vai không bao gồm những bệnh có tổn thương của đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch (chấn thương, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp…)
YHCT gọi là kiên tý và chia làm 3 thể
Do chứng này thuộc phạm vi chứng tý, nên nguyên nhân cũng do phong, hàn, thấp kết hợp với nhau làm bế tắc kinh lạc gây ra. Giai đoạn đầu phong hàn thắng, bệnh nhân đau là chủ yếu (kiên thống): giai đoạn sau hàn thấp thắng, hạn chế vận động là chủ yếu (kiên ngưng). Lâu ngày các tà khí này làm tắc đường lưu thông khí huyết, khí huyết không đủ nuôi dưỡng cân cơ, gây ra thể hậu kiên phong.


II. Chẩn đoán và điều trị
A. Theo YHHĐ
1. Lâm sàng
a. Triệu chứng cơ năng
Trên lâm sàng đa phần biểu hiện bằng đau vùng khớp vai có thể sau vận động quá ngưỡng hoặc đột nhiên xuất hiện kèm theo hạn chế tầm vận động khớp vai ở các mức độ khác nhau.
b.Triệu chứng thực thể
Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng ấn đau chói tại chỗ các vị trí tương ứng của gân như đầu dài gân nhị đầu, điểm bám gân trên gai, gân dưới gai.
Khám bằng 1 số nghiệm pháp phát hiện gân tổn thương: Palm – up, Jobe, Pattes, Neer, Gerber, Hawkins, Yocum,…
* Chẩn đoán thể bệnh
Thể đau vai đơn thuần ( thể bán cấp): hay gặp nhất, chủ yếu là tổn thương gân cơ trên gai hoặc bó dài của gân cơ nhị đầu, ấn đau chói tại chỗ, nghiệm pháp Palm –up, Jobe dương tính, siêu âm có tổn thương gân nhị đầu hoặc gân bao xoay.
Thể đau vai cấp là biểu hiện lâm sàng của viêm túi thanh mạc vi tinh thể, có calci hóa các gân mũ cơ quay và các calci hóa này di chuyển vào túi thanh mạc dưới mỏm cùng – cơ delta gây đau tại chỗ. Biểu hiện sưng đau tại vùng mỏm cùng vai cấp tính, siêu âm có dịch ở khoang dưới cơ delta, dịch hút ra có màu vàng chanh trong.
Thể giả liệt khớp vai do đứt 1 phần hoặc hoàn toàn gân mũ cơ quay, gân nhị đầu thường xuất hiện sau 1 động tác mạnh và đột ngột khiến người bệnh thấy đau chói vùng mặt trước khớp vai, sau đó không giơ tay chủ động được trong khi giơ tay thụ động vẫn làm được. Gân bị đứt hoàn toàn sẽ co lại nổi cục tại 1/3 trên cánh tay. Siêu âm phát hiện ra đứt gân toàn phần hoặc bán phần.
Thể đông cứng khớp vai do sự dày lên và co cứng của bao khớp vai. Các động tác của khớp vai đều hạn chế nhưng không đau, có thể teo cơ cạnh khớp. Chụp khớp vai cản quang thấy khoang khớp giảm thể tích.


2. Cận lâm sàng
a. Chẩn đoán hình ảnh
- Chụp Xquang thường quy khớp vai đánh giá mức đọ tổn thương, hoặc X quang tim phổi ( loại trừ nguyên nhân khác)
- Siêu âm khớp vai
- Đo mật độ xương
b. Các xét nghiệm và thăm dò cần làm để chẩn đoán loại trừ nguyên nhân (tùy theo từng trường hợp cụ thể):
- Xét nghiệm cơ bản: tế bào máu ngoại vi, tốc độ máu lắng, xét nghiệm nước tiểu toàn phần.
- Xét nghiệm sinh hóa máu: Ure, creatinin, AST, ALT….


B. Theo YHCT
Các thể lâm sàng
1. Kiên thống (tương ứng với viêm quanh khớp vai đơn thuần của Y học hiện đại)
Triệu chứng: đau là dấu hiệu chủ yếu, đau tăng khi vận động, đau làm hạn chế vận động một số động tác như: chải đầu, gãi lưng. Đau xung quanh khớp vai là chủ yếu, trời lạnh, ẩm đu tăng. Khớp vai không sưng, không đỏ, cơ không teo.
Pháp điều trị: Khu phong tán hàn, hành khí hoạt huyết.
Phương thuốc: Quyên tý thang gia giảm
Khương hoạt 12g                Phòng phong 08g
Xích thược 12g                    Khương hoàng 12g
Đương quy 12g                   Hoàng kỳ 16g
Cam thảo 06g                      Đại táo 12g
Sinh khương 06g                 Quế chi 08g
Trần bì 08g
Sắc uống ngày 1 thang chia sáng chiều
Châm cứu: Châm tả Kiên tỉnh, Kiên ngung, Kiên trinh, Thiên tông, Trung phủ, Tý nhu, Cự cốt, Vân môn.
Xoa bóp bấm huyệt: Dùng các thủ thuật xát, lăn, day, bóp, bấm, vờn, vận động, rung khớp vai.
Thủy châm: Vitamin B1, B6, B12, thuốc giảm đau non- steroid vào một số huyệt Kiên ngung, Thiên tông, Tý nhu
Điện phân Lidocain hoặc vitamin nhóm B tại khớp

1. Kiên ngưng (tương ứng với VQKV thể nghẽn tắc, viêm cứng khớp vai của Y học hiện đại)
Triệu chứng: Thường gặp ở những bệnh nhân liệt nửa người, chấn thương sọ não, viêm màng não. Khớp vai đau ít hoặc không, chủ yếu là hạn chế vận động hầu hết các động tác, khớp như bị đông cứng lại, toàn thân và khớp vai gần như bình thường, nếu bị bệnh lâu ngày các cơ xung quanh khớp vai teo nhẹ.


Pháp điều trị: Hoạt huyết tiêu ứ, thư cân hoạt lạc.
Bài thuốc: Quyên tý thang gia vị
Khương hoạt 08g                 Phòng phong 08g
Xích thược 12g                    Khương hoàng 12g
Sinh khương 06g                 Đại táo 12g
Tô mộc 10g                          Đào nhân 10g
Đương quy 12g                    Hoàng kỳ 16g
Cam thảo 06g                       Xuyên sơn giáp 08g
Trần bì 06g
Sắc uống ngày 1 thang chia sáng chiều
Nếu có teo cơ gia các vị thuốc bổ khí huyết: Đẳng sâm 12g, Bạch truật 12g, Thục địa 12g, Hà thủ ô 10g.
Châm cứu, thủy châm, điện phân thuốc và chọn các huyệt như thể kiên thống, xoa bóp bấm huyệt rất có tác dụng với thể này, thời gian đầu nhân viên y tế phải làm cho bệnh nhân, song phải làm nhẹ nhàng, tăng dần cường độ, biên độ vận động khớp vai (vì bệnh nhân rất đau). Khi người bệnh đã tự vận động khớp khuyên người bệnh phải tích cực, kiên trì tập luyện sẽ có kết quả.


2. Hậu kiên phong (tương ứng với thể hội chứng vai tay, loạn dưỡng phản xạ chi trên của Y học hiện đại).
Triệu chứng: đây là một thể bệnh rất đặc biệt gồm viêm quanh khớp vai đông cứng và rối loạn thần kinh vận động ở bàn tay. Khớp vai đau, hạn chế vận động, bàn tay phù có khí lan lên cẳng tay, phù to, cứng, da cẳng tay, bàn tay có màu đỏ tía hoặc tím, da lạnh. Đau toàn bộ bàn tay, đau cả ngày đêm, cơ bàn tay teo rõ rệt, cơ lực giảm, vận động hạn chế, móng tay giòn, dễ gãy.
Pháp điều trị: Bổ khí huyết, hoạt huyết tiêu ứ.
Bài thuốc: Tứ vật đào hồng gia vị
Thục địa 16g                      Đương quy 10g
Bạch thược 12g                 Xuyên khung 10g
Đào nhân 10g                    Hồng hoa 10g
Đẳng sâm 16g                   Hoàng kỳ 16g
Sắc uống ngày 1 thang.
Thủy châm,điện phân, xoa bóp bấm huyệt như thể kiên thống
Châm cứu: Châm bổ các huyệt như thể kiên thống thêm Khúc trì, Thủ tam lý, Ngoại quan, Dương trì, Hợp cốc bên đau.
* Các thể trên có thể sử dụng Thuốc sắc đóng túi PT1 165ml ngày uống 01 túi chia sáng, chiều (Thuốc sắc đóng túi PT1 165ml do Bệnh viện tự bào chế. 01 túi tương đương 1 thang thuốc Hoặc Hoàn phong thấp II
* Các phương pháp điều trị không dùng thuốc khác: nhĩ châm, cấy chỉ, …
* Điều trị kết hợp YHHĐ
Điều trị không dùng thuốc
Vật lí trị liệu: Hồng ngoại, đắp Faraphin, điện từ trường, điện xung, sóng xung kích, siêu âm điều trị, sóng ngắn…
Điều trị bằng thuốc
Tùy theo mức độ nặng của bệnh có thể điều trị kết hợp YHHĐ một số thuốc như sau:
Giảm đau chọn một tron các thuốc theo bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới: Paracetamol,…
Chống viêm không steroid khi bệnh nhân đau nhiều: chọn một trong số thuốc sau: Meloxicam (Mobic), Proxicam (Felden), Celecoxib (Celebrex)
Thuốc dãn cơ: Mydocalm hoặc Myonal
Tiêm nội khớp : Depo-Medrol (hỗn dịch Methylprednisolon acetat) hoặc Diprospan (Betamethasone dipropionate).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Khoa Y học cổ truyền trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền, nhà xuất bản Y học, 2012
2. Bộ Y tế. Hướng dẫn quy trình kĩ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành châm cứu, 2013
3. Chuyên đề nội khoa Y HỌC CỔ TRUYỀN , nhà xuất bản Y học
4. Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nội khoa, nhà xuất bản Y học, 2010
5. Bộ Y tế. Bệnh học cơ xương khớp nội khoa, nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, 2012

Bạn hãy đăng nhập vào Facebook để thực hiện bình luận và chia sẻ bản tin này với bạn bè.

Tin liên quan

Đối tác liên kết
về đầu trang

Hòm thư góp ý